Sự khác biệt giữa Blockchain và Bitcoin là gì?

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Đối với những người mới đến với tiền điện tử, hai thuật ngữ trên có thể khá khó hiểu và thậm chí gây hiểu nhầm. Một số người đề cập đến Bitcoin khi nói về công nghệ blockchain, trong khi những người khác sẽ đề cập đến blockchain khi nói về tiền điện tử nói chung. Tuy nhiên, các thuật ngữ này không thực sự hoán đổi cho nhau: chúng là các khái niệm riêng biệt nhưng có sự kết nối với nhau. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa chúng. Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn những kiến thức cơ bản về công nghệ blockchain, tiền điện tử và Bitcoin.

Một sự giống nhau rất cơ bản

Hãy xem xét ví dụ sau:

  • Website là một công nghệ dùng để chia sẻ thông tin.
  • Công cụ tìm kiếm là một trong những cách phổ biến và được biết đến nhiều nhất để sử dụng công nghệ website.
  • Google là một trong những ví dụ phổ biến và nổi tiếng nhất về công cụ tìm kiếm.

Tương tự:

  • Blockchain là một công nghệ dùng để ghi chép thông tin (các khối dữ liệu).
  • Tiền điện tử là một trong những cách phổ biến và được biết đến nhiều nhất để sử dụng blockchain.
  • Bitcoin là ví dụ đầu tiên và phổ biến nhất về tiền điện tử.

Blockchain: Khái niệm

Hầu hết các blockchain được thiết kế như một sổ cái kỹ thuật số phân tán và phi tập trung. Nói một cách đơn giản, blockchain là một sổ cái kỹ thuật số, hay về cơ bản là phiên bản điện tử của sổ cái trên giấy có vai trò ghi lại danh sách các giao dịch.

Cụ thể hơn, một blockchain là một chuỗi tuyến tính gồm nhiều khối được kết nối và được bảo đảm bằng các bằng chứng mật mã. Công nghệ Blockchain cũng có thể được áp dụng trong các lĩnh vực khác không nhất thiết phải có các hoạt động tài chính. Trong bối cảnh tiền điện tử, blockchain có vai trò lưu giữ hồ sơ vĩnh viễn của tất cả các giao dịch đã được xác nhận.

‘Phân tán’ và ‘phi tập trung’ đề cập đến cách thức tổ chức và duy trì của sổ cái. Để hiểu sự khác biệt, hãy nghĩ về các hình thức sổ cái tập trung phổ biến như hồ sơ công khai về mua bán nhà, hồ sơ rút tiền ATM của ngân hàng hoặc danh sách các mặt hàng đã bán của eBay. Trong mỗi trường hợp ví dụ đưa ra, chỉ có một tổ chức kiểm soát sổ cái: một cơ quan chính phủ, ngân hàng hoặc eBay. Một yếu tố phổ biến khác là chỉ có một bản chính của sổ cái và bất cứ bản nào khác chỉ đơn giản là bản sao lưu chứ không phải là bản chính thức. Do đó, sổ cái truyền thống mang tính tập trung bởi vì chúng được duy trì bởi một tổ chức duy nhất và thường dựa vào một cơ sở dữ liệu duy nhất.

Ngược lại, một blockchain thường được xây dựng như một hệ thống phân tán có chức năng như một sổ cái phi tập trung. Điều này có nghĩa là có nhiều bản sổ cái (phân tán) và không có tổ chức nào nắm quyền kiểm soát duy nhất (phi tập trung). Nói một cách đơn giản, mỗi người dùng tham gia vào mạng blockchain sẽ giữ một bản sao điện tử của dữ liệu blockchain. Dữ liệu blockchain được cập nhật thường xuyên tất cả các giao dịch mới nhất và đồng bộ với bản sao của người dùng.

Nói cách khác, một hệ thống phân tán được duy trì bởi công việc tập thể của nhiều người dùng trên khắp thế giới. Những người dùng này còn được gọi là các node mạng, và tất cả các node này đều tham gia vào quá trình xác minh và xác thực giao dịch theo các quy tắc của hệ thống. Do đó, quyền lực là phi tập trung (không có cơ quan trung ương).

Blockchain: Thực tiễn

Blockchain (chuỗi khối) có cái tên này là do cách thức tổ chức các hồ sơ: một chuỗi các khối liên kết. Về cơ bản, một khối chính là một loại dữ liệu, trong số các loại hình khác, chứa danh sách các giao dịch gần đây (giống như một trang in gồm các mục nhập). Các khối, cũng như các giao dịch, được công khai và có thể nhìn thấy, nhưng chúng không thể bị thay đổi (giống như việc cất mỗi trang in vào một hộp kính kín). Khi các khối mới được thêm vào blockchain, một bản ghi liên tục gồm các khối liên kết sẽ được hình thành (giống như một sổ cái vật lý có nhiều trang). Đây là một ví dụ đơn giản để dễ hình dung, nhưng thực tế thì quá trình này diễn ra phức tạp hơn nhiều.

Một trong những lý do chính tại sao blockchain có khả năng chống sửa đổi là do các khối được liên kết và bảo đảm bằng các bằng chứng mật mã. Để tạo ra các khối mới, những người trong mạng cần tham gia vào một hoạt động tính toán tốn kém và có cường độ lớn được gọi là đào. Về cơ bản, các thợ mỏ chịu trách nhiệm xác minh các giao dịch và nhóm chúng thành các khối mới được tạo rồi sau đó đưa thêm vào blockchain (nếu đáp ứng được các điều kiện nhất định). Họ cũng có trách nhiệm đưa các coin mới vào hệ thống, được phát hành như một phần thưởng cho công việc của họ.

Mỗi khối mới được xác nhận sẽ liên kết với khối ngay trước nó. Điểm hay của thiết lập này là không thể thay đổi dữ liệu trong một khối một khi khối được thêm vào blockchain vì được bảo đảm bằng bằng chứng mật mã. Quá trình tạo ra một khối mới rất tốn kém và việc hoàn tác là cực kỳ khó.

Tóm lại, một blockchain là một chuỗi liên kết gồm các khối dữ liệu được sắp xếp theo thứ tự thời gian và được bảo đảm bằng các bằng chứng mật mã.

Tiền điện tử

Nói một cách đơn giản, tiền điện tử là một dạng tiền kỹ thuật số được sử dụng như một phương tiện trao đổi trong một mạng lưới người dùng phân tán. Không giống như các hệ thống ngân hàng truyền thống, các giao dịch này được theo dõi thông qua một sổ cái kỹ thuật số công cộng (blockchain) và có thể được thực hiện trực tiếp giữa những người tham gia (ngang hàng) mà không cần trung gian.

‘Crypto’ dùng để chỉ các kỹ thuật mã hóa được sử dụng để bảo mật hệ thống kinh tế và để đảm bảo rằng việc tạo ra các đơn vị tiền điện tử mới và việc xác thực giao dịch diễn ra suôn sẻ.

Mặc dù không phải tất cả các đồng tiền điện tử đều có thể đào được, nhưng rất nhiều đồng tiền, giống như Bitcoin, phụ thuộc vào quá trình đào, có sự tăng trưởng chậm và được kiểm soát về nguồn cung lưu hành. Vì vậy, đào là cách duy nhất để tạo ra các đơn vị mới của các đồng coin và giúp tránh được rủi ro lạm phát vốn là mối đe dọa của các loại tiền tệ fiat truyền thống, nơi mà chính phủ có thể kiểm soát nguồn cung tiền.

Bitcoin

Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra, và theo lẽ tự nhiên, là một trong những đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất. Bitcoin được giới thiệu vào năm 2009 bởi nhà phát triển với danh xưng Satoshi Nakamoto. Ý tưởng chính là tạo ra một hệ thống thanh toán điện tử độc lập và phi tập trung dựa trên các bằng chứng toán học và mật mã học.

Mặc dù là đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất nhưng Bitcoin không phải là duy nhất. Có nhiều đồng tiền điện tử khác, mỗi loại có các tính năng và cơ chế riêng. Hơn nữa, không phải tất cả các đồng tiền điện tử đều có blockchain riêng của mình. Một số được tạo ra trên nền của một blockchain đã tồn tại, trong khi những đồng tiền khác được tạo ra hoàn toàn từ đầu.

Giống như hầu hết các đồng tiền điện tử, Bitcoin có một nguồn cung hạn chế, điều đó có nghĩa là sẽ không có thêm Bitcoin nào được tạo ra bởi hệ thống sau khi đạt được nguồn cung tối đa. Mặc dù điều này là khác nhau giữa các dự án, nguồn cung Bitcoin tối đa được đặt là 21 triệu coin. Thông thường, tổng cung là một thông tin công khai được xác định khi tiền điện tử được tạo ra.

Giao thức Bitcoin là mã nguồn mở và bất kỳ ai cũng có thể xem hoặc sao chép mã. Sự phát triển của dự án nhận được sự đóng góp của nhiều nhà phát triển trên khắp thế giới.

Nguồn: Binance.Vision

Tác giả

S'Mann

S'Mann

Founder & CEO @Syndicator

Theo dõi Syndicator tại