NFT là gì?
Non-fungible Token (NFT) hay “token không thể thay thế”, là một loại token kỹ thuật số đại diện cho một tài sản duy nhất. Đây có thể là tài sản hoàn toàn kỹ thuật số hoặc là phiên bản token hóa của tài sản trong thế giới thực. Do các NFT không thể thay thế cho nhau, nên chúng có thể hoạt động như bằng chứng về tính xác thực và quyền sở hữu trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Những đặc tính của NFT
- Tính độc nhất: mỗi NFT lại mang một tính chất riêng, khiến chúng khác biệt so với những NFT khác.
- Tính khan hiếm: mỗi NFT là duy nhất, không thể thay thế bằng bất cứ hình thức nào khác, và có thể có hạn chế về số lượng. Đây là lý do chính tạo nên giá trị cho các NFT. Ví dụ: các món đồ càng độc đáo, khan hiếm thì giá trị càng cao, như các bức tranh được vẽ bởi những họa sĩ nổi tiếng, hay như những tài sản kỹ thuật số như vật phẩm trong game, …
- Tính không thể tách rời: một đặc tính đặc biệt của NFT là không thể chia NFT dưới bất kỳ hình thức nào. Mỗi NFT đại diện cho chính nó. Ví dụ: bạn có thể chia 1 BTC thành 2 phần 0.5 BTC, hay 4 phần 0.25 BTC, nhưng bạn không thể làm vậy với NFT.
- Không cần được cấp phép: NFT thừa hưởng đặc tính của những blockchain mở, khiến nó có thể được truy cập tùy ý.
- Khả năng lưu trữ vĩnh cửu: NFT có thể được lưu trữ rất lâu, thậm chí có khả năng tồn tại mãi mãi trên các blockchain.
- Có thể lập trình: khi đã xuất hiện trên blockchain, NFT đơn giản chỉ là những đoạn code. Nhưng đây là điểm đặc biệt của NFT, vì bạn hoàn toàn có thể kiểm tra quyền sở hữu của một NFT bất kỳ lúc nào.
Các tiêu chuẩn NFT (NFT Standard)
Có nhiều cách để tạo và phát hành một NFT. Các NFT cũng có những tiêu chuẩn khác nhau. Phổ biến nhất và nổi bật nhất trong số này là tiêu chuẩn ERC-721, tiêu chuẩn để phát hành và giao dịch các tài sản không thể thay thế trên blockchain Ethereum. Ngoài ra, ERC-1155 hay ERC-998 cũng là những tiêu chuẩn được cải tiến gần đây. Tiêu chuẩn này cho phép từng hợp đồng chứa cả token có thể thay thế và không thể thay thế. Từ đó, mở ra một loạt các khả năng hoàn toàn mới.
Binance Smart Chain (BSC) cũng có các tiêu chuẩn NFT riêng: BEP-721 và BEP-1155, hay DEGO sử dụng chuẩn ERC90. Thậm chí FLOW blockchain và Tezos cũng hỗ trợ NFT. NBA Top Shot (những NFT từ giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) đang sử dụng FLOW blockchain. Trong tương lai, CryptoKitties cũng có kế hoạch chuyển từ Ethereum sang FLOW blockchain.
ERC-721 là tiêu chuẩn phổ biến của NFT
Những ai đang sử dụng NFT/Sử dụng NFT vào việc gì?
NFT đang được thử nghiệm cho nhiều ứng dụng khác nhau như ngành công nghiệp game, định danh kỹ thuật số, giấy phép, chứng chỉ và tác phẩm mỹ thuật. NFT còn có thể được sử dụng để đại diện cho các mục như ảnh, video, âm thanh/âm nhạc và các loại tệp kỹ thuật số khác. Mặc dù ai cũng có thể có được bản sao của các tài sản này, nhưng NFT luôn được theo dõi trên các blockchain nhằm cung cấp bằng chứng về quyền sở hữu (tách biệt với bản quyền) cho người sở hữu nó cũng như tất cả những ai thấy nó.
Hiện nay, NFT chủ yếu phục vụ mục đích sưu tầm, trao đổi, như các tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm trong game, âm nhạc, …
Những ví dụ/đại diện tiêu biểu của NFT
Chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe tới những cái tên như CryptoKitties hay CryptoPunks. Đã từng có những chú mèo CryptoKitties được bán với giá lên tới hơn $100,000. Hiện nay, những NFT CryptoKitties hay CryptoPunks vẫn đang được rao bán hay đấu giá trên các marketplace, với giá trị lên tới hàng triệu USD.
Hay thậm chí cả một tweet của nhà sáng lập Twitter, Jack Dorsey, cũng có thể trở thành một NFT có giá trị lên tới hơn 2.5 triệu USD và được rao bán vào ngày 22/3/2021.
Dòng tweet có giá “triệu đô” của Jack Dorsey
NBA Top Shot, nơi lưu trữ những khoảnh khắc đặc biệt trong những trận đấu tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ – NBA, đồng thời cũng đang là nơi mà không chỉ những người hâm mộ, mà còn cả các cầu thủ chuyên nghiệp, đang giao dịch, trao đổi những NFT có giá trị lên tới hàng chục triệu USD.
NBA Top Shot – nơi biến những khoảnh khắc trên sân thi đấu thành NFT
Ngoài ra, những nhân vật hay vật phẩm được tạo ra trong game, cũng hoàn toàn có thể trở thành những NFT. Ví dụ: những con thú Axie trong tựa game Axie Infinity chính là những NFT.
Những chú Axie chính là những NFT
Giá trị thực sự của NFT?
Tới tận bây giờ, đây vẫn là một câu hỏi khó có thể giải đáp một cách trọn vẹn. Đối với suy nghĩ của nhiều người thì NFT đang là một hình thức, một nền tảng để bảo vệ quyền sở hữu cho những nghệ sĩ, những tác giả vốn đã chịu nhiều thiệt thòi về vấn đề bản quyền, sở hữu. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những suy nghĩ trái chiều khác về giá trị của NFT, như đây là một hình thức để chi phối, thao túng giá trị hay là một cách để thực hiện những giao dịch ẩn danh mà không cần lo tới những ràng buộc về mặt pháp lý.
Hãy cùng xem qua một ví dụ về “thuyết âm mưu” mà một người dùng trên Twitter đã từng đưa ra:
- Đầu tiên, hãy cố gắng tạo ra một NFT độc đáo, hợp thị hiếu và xu hướng nhất có thể, sau đó đưa NFT đó lên marketplace.
- Sử dụng chính tiền của mình để mua lại, hay giao dịch NFT đó, nhằm tạo ra những mức giá “ảo” cũng như thu hút sự chú ý của cộng đồng.
- Khi NFT đó đã thu hút đủ sự chú ý, bất ngờ đưa ra một mức giá “hời” nhằm có được người mua thực sự.
- Khi đó, người mua sau đã rơi vào bẫy của những con “cá mập”. Họ có được cái “mác” mua được một NFT trị giá $100,000 với giá “hời” $20,000. Tuy nhiên, sau đó họ không thể bán lại NFT đó cho bất kỳ ai nữa.
Từ ví dụ trên, có thể thấy, sự minh bạch và giá trị thực của một NFT vẫn cần được xác minh bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nó quá dễ để bị thao túng bởi những “tay to” trong thị trường.
Ngoài ra, các NFT hiện nay cũng đang là tâm điểm của mọi sự “trêu chọc” vì khả năng sao chép chúng quá dễ dàng. Một số người cho rằng, để sở hữu một NFT dạng hình ảnh, họ thậm chí còn không cần phải bỏ tiền ra, mà chỉ cần thao tác “Save as” đơn giản để lưu NFT đó về máy tính của mình. Hay thậm chí họ còn có thể sao chép NFT từ một blockchain này sang một blockchain khác. Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm, việc sao chép như vậy hoàn toàn không mang lại giá trị thực sự nào cho phiên bản NFT “giả mạo” đó. Hơn nữa, các nhà phát triển hiện nay cũng đã cho ra mắt những công cụ giúp người dùng có thể kiểm tra xem NFT này đã bị sao chép hay chưa, ví dụ như tính năng kiểm tra nguồn NFT của đội ngũ RMRK, hay Tineye cũng là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc rà soát nguồn của các NFT.
Bắt đầu với thị trường NFT
Góc tối của NFT có thể tồn tại như vậy, hoặc cũng có thể không. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, NFT đang chắp cánh cho rất nhiều nghệ sĩ, hay những nhà sáng tạo nội dung, sáng tạo nghệ thuật. Vậy nếu bạn là một nghệ sĩ độc lập, hay một nhà sáng tạo, thì bạn phải làm thế nào để biến những tác phẩm của mình trở thành những NFT? Hay nếu đơn giản, bạn chỉ là một người sưu tầm, hay muốn kiếm được lợi nhuận từ việc trao đổi, giao dịch qua lại những NFT, thì bạn phải bắt đầu từ đâu?
Bạn hoàn toàn có thể tự đúc những NFT của riêng mình, với sự hỗ trợ của các nền tảng NFT hiện nay. Để bắt đầu, bạn cần chuẩn bị:
- Tác phẩm nghệ thuật, bài hát, hoặc vật phẩm kỹ thuật số của bạn
- Một lượng tiền mã hóa để chi trả phí đúc NFT
- Ví tiền mã hóa để lưu trữ NFT
- Một nền tảng blockchain mà bạn ưa thích hoặc tin tưởng để tạo NFT trên đó (ví dụ: Binance NFT)
Hiện nay, ngoài Ethereum, nền tảng blockchain lớn đầu tiên cung cấp và hỗ trợ NFT, thì những nền tảng blockchain khác như Polkadot, Kusama, Solana, Binance Smart Chain, FLOW cũng là những lựa chọn bạn có thể tham khảo. NFT trên Ethereum có thể đang hoạt động mạnh mẽ nhất, tuy nhiên nhược điểm về chi phí đúc hay phí gas quá cao khiến nhiều người dùng bắt đầu lựa chọn những nền tảng cho phép họ đúc hay giao dịch NFT với một mức phí rẻ hơn.
Ngoài ra, NFT cũng đang gắn liền với blockchain gaming và trào lưu Play 2 Earn. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về Play 2 Earn tại đây
Binance NFT – thị trường NFT của riêng gã khổng lồ Binance (Nguồn ảnh: Binance)
Ngoài việc tự đúc hay tạo ra những NFT cho riêng mình, những nhà sáng tạo hoàn toàn có thể đưa chúng lên các marketplace để tìm kiếm những người muốn mua hay sở hữu chúng. Việc này sẽ đem lại cho những nhà sáng tạo thêm thu nhập cũng như đưa danh tiếng của họ đi xa hơn, giúp họ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Bạn có thể bắt đầu trải nghiệm NFT của mình với Binance NFT, tham khảo hướng dẫn tại ĐÂY
Một số dự án/nền tảng NFT hiện nay
Hệ sinh thái NFT là một khái niệm rất rộng, không chỉ bao gồm các tác phẩm nghệ thuật, mà còn có những marketplace (Binance NFT, Seascape, Refinable, Treasureland,…), game NFT (Axie Infinity, DeFi Land, …), nền tảng DeFi + NFT (DeFi Land, Creaticles, DEGO, Bondly, …), hay tạo ra metaverse có chứa NFT trong đó (Bit.Country, …). Dưới đây là một vài ví dụ về các nền tảng/dự án NFT trong các hệ sinh thái khác nhau:
- Hệ sinh thái Ethereum: Axie Infinity, Art Blocks, Crypto Punks, OpenSea, Rarible, …
- Hệ sinh thái Polkadot/Kusama: Singular, Bit.Country, Ternoa, Unique, Darwinia, RMRK (Remark), Efinity, …
- Hệ sinh thái Solana: Only1, DeFi Land, …
- Hệ sinh thái BSC: BakerySwap, Juggerworld, PancakeSwap, My Defi Pet, …
- Hệ sinh thái khác dành riêng cho NFT: FLOW, WAX, …
Only1 – nền tảng NFT trên Solana
DeFi Land – khi DeFi được “game hóa” để kết hợp cùng NFT
Bit.Country – nền tảng thế giới ảo phi tập trung với NFT, cùng tham vọng trở thành một vũ trụ trên blockchain
Có nên đầu tư vào NFT ở thời điểm hiện tại?
NFT đã và đang là một xu hướng nổi bật nhất của thị trường trong thời gian vừa qua. Chắc chắn tiềm năng của NFT sẽ không chỉ dừng lại ở những gì chúng ta đang thấy hiện nay như là những trò chơi điện tử trên blockchain. NFT hoàn toàn có thể kết hợp với DeFi để tạo ra những ứng dụng mới. Hơn nữa, sự bùng nổ của NFT trong thời gian qua đã khiến cộng đồng đón nhận và công nhận NFT theo một hướng tích cực hơn. Vì vậy, khả năng để dòng tiền đổ vào lĩnh vực này nhiều hơn trong thời gian sắp tới là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, để xác định thu về lợi nhuận khi đầu tư vào NFT, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức về lĩnh vực này, cũng như thường xuyên cập nhật về xu hướng thị trường để có được cái nhìn từ tổng quan cho tới chi tiết nhất.